Ung thư vú là gì, cách phát hiện, điều trị hiệu quả nhất
Dấu hiệu ung thư vú, ung thư vú có chữa được không, ung thư vú giai đoạn sớm, giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3 và các phương pháp điều trị ung thư vú hiệu quả nhất.
Trong bài viết này, sẽ giải đáp các câu hỏi:
- Ung thư vú là gì
- Dấu hiệu của ung thư vú
- Ung thư vú có chữa được không.
- Các phương pháp điều trị ung thư vú.
Ung thư vú (UTV) là căn bệnh ung thư hay gặp nhất ở phụ nữ tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ghi nhận ung thư Hà Nội cho thấy tỷ lệ mắc UTV là 20,3/100.000 dân, con số này ở TP Hồ Chí Minh là 17,2/100.000. Trong khi đó, vẫn còn tồn tại một thực trạng đáng tiếc: khoảng 50% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Qua phỏng vấn 200 bệnh nhân UTV tại bệnh viện K cho thấy:
- 66,5% không bao giờ tự khám vú trước đó
- 17,5% đã từng điều trị bằng đắp lá hoặc các thuốc dân gian trước khi đến bệnh viện
- Thời gian trung bình từ khi khám ở y tế cơ sở cho đến khi khám chuyên khoa là 63 ngày
- 64,3% không nhận được thông tin tuyên truyền về UTV.
Phát hiện sớm UTV sẽ đem lại nhiều lợi ích như tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh, giảm chi phí điều trị, tăng tỷ lệ điều trị bảo tồn tuyến vú.
Một số kiến thức đại cương
Tuyến vú cấu tạo thế nào
Tuyến vú có chức năng tiết sữa của cơ thể nằm ở phía trước ngực. Mỗi tuyến vú có từ 15-20 thuỳ, và mỗi thuỳ lại phân ra thành các tiểu thuỳ. Mỗi tiểu thuỳ chứa nhiều nang tuyến chế tiết ra sữa. Sữa tiết ra sẽ được dẫn qua các ống từ nhỏ đến lớn để đổ về núm vú nằm giữa quầng vú. Xen kẽ giữa các thuỳ tuyến và các ống tuyến là mô mỡ. Tuyến vú còn có các mạch bạch huyết dẫn dịch bạch huyết về các hạch bạch huyết ở xung quanh tuyến vú, nhiều nhất là vùng nách. Hạch bạch huyết có chức năng bảo vệ, chặn bắt các tế bào lạ như vi khuẩn, tế bào ung thư.
Hình ảnh cấu tạo tuyến vú |
Bệnh ung thư là gì
Ung thư xuất phát từ các tế bào, đó là đơn vị cấu taọ nên các cơ quan bộ phận trong cơ thể. Trong quá trình phát triển bình thường của cơ thể các tế bào già cỗi sẽ chết đi và thay thế chúng là những tế bào mới được sinh ra. Nếu có sự bất thường: hoặc là các tế bào mới được sinh ra mà cơ thể không cần đến chúng hoặc là những tế bào già cỗi mà không chết đi, khi đó sẽ có những tế bào thừa ra và chúng hình thành nên khối u. Khối u có thể là lành tính hoặc ác tính.
• Khối u lành tính thường ít khi gây nguy hiểm đến tính mạng, khi đã được lấy bỏ thì ít khi tái phát và các u lành tính không lan tràn đến các cơ quan lân cận và các cơ quan khác trong cơ thể.
• Khối u ác tính (còn gọi là Ung thư) thì ngược lại: chúng có thể đe doạ đến tính mạng, có thể tái phát sau khi đã được lấy bỏ và điều đặc biệt là chúng thường không chỉ phát triển tại chỗ mà còn xâm lấn ra xung quanh và các tế bào ung thư còn có thể theo dòng máu đi đến các cơ quan khác trong cơ thể và hình thành nên những khối u mới, quá trình này gọi là di căn. Ung thư vú là sự hình thành khối u ác tính xuất phát từ 1 trong số thành phần cấu tạo nên tuyến vú: ống tuyến, thuỳ tuyến hoặc mô liên kết.
Đối tượng nguy cơ ung thư
Hiện tại chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra ung thư, nhưng qua nghiên cứu người ta biết được một số yếu tố mà nếu có thì khả năng mắc UTV sẽ cao hơn, đó gọi là các yếu tố nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ của UTV gồm có :
• Tuổi: tuổi càng cao thì nguy cơ mắc càng tăng và cao nhất là tuổi >60.
• Tiền sử mắc UTV : nếu đã mắc UTV 1 bên thì bên còn lại cũng có nguy cơ mắc UTV cao
• Tiền sử gia đình : nguy cơ mắc UTV sẽ cao nếu như có mẹ hoặc chị, em gái mắc UTV. Nguy cơ cũng tăng nếu như người phụ nữ có cô, dì, bác ruột hai bên nội ngoại mắc UTV
• Những biến đổi gen : thay đổi của các gen BRCA1, BRCA2 làm tăng nguy cơ UTV
• Một số vấn đề về sức khoẻ sinh sản : có con muộn hoặc không sinh đẻ, dậy thì sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), dùng nội tiết tố thay thế ở thời kỳ mãn kinh… làm tăng nguy cơ UTV
• Chủng tộc: hay gặp ở phụ nữ Latin, châu á hoặc Mỹ gốc Phi.
• Tiền sử điều trị tia xạ vào vùng vú làm tăng nguy cơ mắc UTV
• Béo phì sau khi mãn kinh: nội tiết tố estrogen được sản sinh 1 phần tại mô mỡ, béo phì làm cho lượng estrogen tăng cao và đây là một điều có thể dẫn đến UTV
• Người ít hoạt động thể chất sẽ có nguy cơ mắc UTV cao hơn
• Uống rượu bia nhiều cũng làm tăng nguy cơ mắc UTV
Một số các yếu tố nguy cơ khác đang được nghiên cứu, và cũng xin lưu ý rằng có 1 hay nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa là chắc chắn người phụ nữ đó sẽ mắc UTV mà là khả năng mắc phải sẽ cao hơn bình thường. Những phụ nữ mang 1 hay nhiều yếu tố nguy cơ nên gặp gỡ thầy thuốc để trao đổi về kế hoạch theo dõi và phát hiện bệnh.
Sàng lọc và chẩn đoán ung thư vú
Sàng lọc
Sàng lọc là biện pháp dò tìm bệnh trước khi các triệu chứng xuất hiện, khi đó bệnh thường ở giai đoạn rất sớm và việc chữa trị sẽ đơn giản hơn và mang lại hiệu quả cao. Sàng lọc đối với UTV gồm có:
1. Chụp vú: Nên áp dụng đối với phụ nữ độ tuổi >40 từ 1-2 năm 1 lần và thường xuyên hơn đối với phụ nữ có nguy cơ cao. Chụp vú có thể phát hiện những khối u nhỏ chưa sờ thấy hoặc phát hiện những điểm canxi hoá, chúng có thể là những biểu hiện của UTV. Trên cơ sở phim chụp vú, người bác sỹ có thể chỉ định thêm những xét nghiệm khác nếu cần thiết.
2. Tự khám vú: Tự khám vú đều đặn hằng tháng có vai trò rất quan trọng trong sàng lọc UTV nhưng điều quan trọng là người phụ nữ phải biết cách tự khám vú và nhận biết các bất thường một cách chuẩn xác. Tự khám vú không thể thay thế được chụp vú và khám lâm sàng tuyến vú.
Xin xem phần hướng dẫn cách tự khám vú ở phần cuối sách.
3. Khám lâm sàng tuyến vú: Người thầy thuốc sẽ khám ở 2 tư thế đứng và nằm để phát hiện các bất thường của tuyến vú bao gồm: sự thay đổi hình dạng và kích thước của 2 bên vú, sự thay đổi về da vú, núm vú, tiết dịch đầu vú, sự xuất hiện các khối u bất thường cũng như các hạch bạch huyết ở vùng xung quanh tuyến vú.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán UTV, người thầy thuốc phải hỏi một số điều về tiền sử bệnh tật cá nhân và tiền sử gia đình, thăm khám kỹ càng và toàn diện và sau đó chỉ định một số xét nghiệm nếu cần thiết.
• Qua thăm khám lâm sàng, người thầy thuốc sẽ nhận định kỹ càng về các tính chất của khối như kích thước, mật độ, hình dạng, tính chất xâm lấn và độ di động của khối u cũng như đánh giá tình trạng hạch nách và toàn trạng của người bệnh.
• Chụp vú chẩn đoán: sẽ giúp cho việc phân tích kĩ lưỡng hơn so với chụp vú sàng lọc thông qua những kĩ thuật đặc biệt hoặc nhiều góc chụp chi tiết hơn.
• Sinh thiết: là việc lấy mô hoặc tế bào của khối u để xem xét dưới kính hiển vi nhằm đi đến kết luận đó có phải là khối u ác tính hay không. Có thể xác định vị trí sinh thiết qua thăm khám lâm sàng hoặc dưới sự trợ giúp của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như chụp vú, siêu âm…Có một số hình thức sinh thiết sau:
o Chọc hút bằng kim nhỏ: dùng kim nhỏ chọc vào khối u để lấy ra các tế bào hoặc dịch từ khối u
o Sinh thiết kim: dùng kim lớn để lấy ra một khối lượng tổ chức u
o Sinh thiết mở: dùng biện pháp phẫu thuật để lấy ra 1 mảnh tổ chức u (Sinh thiết lấy mảnh u) hoặc toàn bộ u (Sinh thiết lấy trọn u)
Nếu tìm thấy tế bào ung thư, có thể trả lời thêm đó là loại ung thư gì, thường gặp là ung thư xuất phát từ những tế bào ống tuyến, ít gặp hơn là ung thư xuất phát từ những tế bào thuỳ tuyến.
• Các xét nghiệm khác: Bác sỹ có thể chỉ định các xét nghiệm để đánh giá tình trạng toàn thân và xét nghiệm thụ thể nội tiết của khối u.
Xếp giai đoạn ung thư vú
Trước khi đưa ra kế hoạch điều trị, người thầy thuốc cần xác định xem mức độ lan tràn của bệnh đến đâu. Việc xếp giai đoạn phải dựa vào thông tin tổng hợp của thăm khám lâm sàng khối u, hạch nách, tình trạng toàn thân và các xét nghiệm.
Các giai đoạn của UTV như sau:
Giai đoạn 0: còn gọi là ung thư tại chỗ, chưa xâm lấn, có 2 loại:
o Ung thư biểu mô thể thuỳ tại chỗ: đề cập đến sự bất thường của các tế bào thuỳ tuyến. Có nguy cơ phát triển thành ung thư xâm lấn.
o Ung thư biểu mô thể ống tại chỗ: là sự bất thường của các tế bào ống tuyến vú, các tế bào này chỉ giới hạn tại chỗ nhưng cũng có khả năng phát triển thành ung thư xâm lấn.
Hình ảnh Ung thư biểu mô thể ống tại chỗ Tế bào |
UT dưới kính hiển vi điện tử |
Giai đoạn I: là giai đoạn sớm của ung thư xâm lấn. Được xếp vào giai đoạn này là các trường hợp khối u chưa lớn hơn 2 cm và các tế bào u chưa phát triển ra ngoài tuyến vú.
Hình ảnh Ung thư biểu mô thể ống xâm lấn |
Giai đoạn II: xếp vào giai đoạn này gồm :
o Khối u không lớn hơn 2 cm nhưng tế bào u đã phát triển ra đến hạch nách, hoặc:
o Khối u từ 2 đến 5 cm và tế bào u đã phát triển ra đến hạch nách, hoặc:
o Khối u lớn hơn 5 cm nhưng tế bào u chưa phát triển ra đến hạch nách.
Giai đoạn III: còn gọi là ung thư lan rộng tại chỗ
o Giai đoạn IIIA: gồm khối u vú nhỏ hơn 5 cm nhưng tế bào u đã phát triển đến hạch nách làm cho các hạch này dính vào nhau hoặc dính vào các tổ chức lân cận; u vú trên 5 cm và đã di căn hạch nách
o Giai đoạn IIIB: là các trường hợp khối u đã lan đến thành ngực hoặc ra da, hoặc ung thư đã di căn đến các hạch vú trong.
Giai đoạn IV: là khi ung thư đã di căn xa đến các cơ quan khác của cơ thể như gan, phổi, xương…
Điều trị và chăm sóc bệnh ung thư vú
Khi được chẩn đoán là UTV, người bệnh thường lo sợ, mất bình tĩnh và bối rối, bên cạnh đó kế hoạch điều trị lại phức tạp, vì vậy khi trao đổi với bác sỹ về kế hoạch điều trị nên có phương tiện để ghi lại những ý kiến của bác sỹ hoặc có người thân đi cùng.
Các biện pháp điều trị
Ung thư vú là một căn bệnh phức tạp đòi hỏi phải phối hợp nhiều biện pháp điều trị khác nhau mà mỗi biện pháp có một vai trò riêng biệt. Các biện pháp điều trị UTV được chia thành 2 nhóm:
Các biện pháp tại chỗ, tại vùng: gồm có phẫu thuật và tia xạ
Các biện pháp toàn thân: gồm có điều trị hoá chất, nội tiết và sinh học
Trong đó phẫu thuật, tia xạ và hoá chất là 3 phương pháp cơ bản.
• Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp cơ bản nhất điều trị UTV, hiện nay có 2 hình thức phẫu thuật trong điều trị UTV:
o Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú: áp dụng đối với UTV ở giai đoạn sớm, u nhỏ. Nội dung của phẫu thuật này bao gồm cắt rộng khối u và phần tuyến vú xung quanh và nạo vét hạch nách. Sau mổ, bệnh nhân bắt buộc phải được điều trị tia xạ vào vùng vú để tránh tái phát.
o Phẫu thuật cắt tuyến vú: áp dụng đối với các trường hợp còn lại. Trong phẫu thuật này, bác sỹ sẽ cắt bỏ toàn bộ tuyến vú và vét hạch nách. Sau mổ, bệnh nhân có thể không cần điều trị tia xạ.
Các nghiên cứu ở nhiều nước cho thấy việc áp dụng hai hình thức phẫu thuật này trên những bệnh nhân ở Giai đoạn I và Giai đoạn II cho tỷ lệ sống thêm sau điều trị tương đương nhau. Từ đó thấy rằng phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm sẽ rất tốt cho việc điều trị.
Bệnh nhân có thể tính đến việc phục hồi lại tuyến vú bị cắt bỏ thông qua một cuộc mổ gọi là Phẫu thuật tạo hình. Việc này giúp bệnh nhân đỡ bị mặc cảm vì thiếu mất 1 bên vú và cũng không ảnh hưởng đến quá trình điều trị UTV.
• Điều trị tia xạ (còn gọi là xạ trị)
Là hình thức điều trị sử dụng các tia phóng xạ có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư ở vùng được chiếu xạ. Biện pháp này được áp dụng cho những bệnh nhân được phẫu thuật bảo tồn tuyến vú và những bệnh nhân có khối u lớn sau khi mổ cắt tuyến vú. Mục đích là để phòng ngừa tái phát sau điều trị.
Một số bệnh nhân được xạ trị trước mổ nhằm làm cho cuộc mổ dễ thực hiện hơn.
Có 2 hình thức xạ trị:
o Xạ trị từ ngoài: Tia phóng xạ được chiếu vào vùng điều trị từ 1 cỗ máy. Thông thường bệnh nhân được chiếu tia 5 lần/ tuần trong vài tuần.
o Xạ trị trong: Tia phóng xạ phát ra từ các chất phóng xạ đưa trực tiếp vào trong tuyến vú. Các chất phóng xạ sẽ được lưu ở tuyến vú trong vòng vài ngày.
• Điều trị hóa chất (còn gọi là hoá trị)
Là hình thức điều trị dùng thuốc để tiêu diệt các tế bào u. Thông thường các bác sỹ sẽ sử dụng nhiều loại thuốc phối hợp nhau để điều trị. Thuốc dùng có thể dưới dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch, dù bằng cách nào, cuối cùng thuốc cũng sẽ vào máu và đi khắp cơ thể.
Điều trị hoá chất thường được thực hiện theo chu kỳ nên hầu hết bệnh nhân chỉ phải lưu lại bệnh viện trong 1 thời gian ngắn.
• Điều trị nội tiết
Đa số các UTV chịu ảnh hưởng của nội tiết tố nữ (estrogen và progesterone) nghĩa là các tế bào u cần có các chất này để phát triển. Điều trị nội tiết sẽ làm cho các tế bào u không có cơ hội tiếp cận với các nội tiết tố cần thiết. Điều trị nội tiết cũng tác động đến các tế bào u trên khắp cơ thể.
Có 2 cách điều trị nội tiết:
o Dùng thuốc để ngăn chặn quá trình sản xuất nội tiết tố
o Phẫu thuật để cắt bỏ buồng trứng là cơ quan có chức năng sản xuất nội tiết tố.
• Điều trị sinh học
Sử dụng khả năng tự nhiên của cơ thể để chống lại ung thư. Tại các nước phát triển người ta sản xuất ra các chất goi là kháng thể đơn dòng tiêm vào người sẽ có tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào u.
Lựa chọn các phương pháp điều trị theo giai đoạn
Việc lựa chọn cách thức điều trị tuỳ thuộc vào giai đoạn và các yếu tố sau:
o Kích thước của khối u
o Các kết quả xét nghiệm
o Đã mãn kinh hay chưa
o Tình trạng sức khoẻ chung
Dưới đây là mô tả đại cương cách thức điều trị cho các giai đoạn (đi sâu vào chi tiết có thể có những khác biệt):
Giai đoạn 0 :
• Ung thư biểu mô thể thuỳ tại chỗ: Hầu hết không cần điều trị gì thêm sau khi đã lấy bỏ rộng u nhưng phải được theo dõi chặt chẽ
• Ung thư biểu mô thể ống tại chỗ: hầu hết bệnh nhân được phẫu thuật bảo tồn vú và tia xạ
Giai đoạn I, II và IIIA :
Thường phải phối hợp nhiều phương pháp điều trị. Thông thường bệnh nhân được phẫu thuật và sau đó được điều trị bổ trợ tuỳ theo kết quả xét nghiệm đánh giá mức độ lan tràn của bệnh sau mổ, có thể là xạ trị, hoá trị hoặc cả 2. Lựa chọn điều trị bảo tồn phải cân nhắc các yếu tố như : kích thước, vị trí u, giai đoạn bệnh, kích thước tuyến vú, một số đặc tính liên quan như có thai và cho con bú, điều kiện tia xạ và theo dõi…
Một số bệnh nhân (nhất là Giai đoạn II, IIIA muộn) có thể được điều trị hoá chất trước mổ (gọi là hoá trị tân bổ trợ) làm cho cuộc mổ được thuận lợi hơn.
Giai đoạn IIIB và IV:
Cần đánh giá kỹ tình trạng bệnh để xác định mục đích của điều trị là chữa khỏi, kéo dài thời gian sống thêm hay săn sóc nâng đỡ cơ thể về thể chất và tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống từ đó có sự lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp.
Các tác dụng phụ của điều trị
Các biện pháp điều trị ung thư vú thường rất nặng nề và phức tạp nên trong và sau điều trị thường gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn. Các tác dụng phụ có thể khác nhau ở từng bệnh nhân, thậm chí khác nhau qua từng đợt điều trị ở cùng 1 bệnh nhân.
Phẫu thuật
• Đau và quá cảm da vùng mổ
• Nhiễm khuẩn và chảy máu sau mổ
• Đọng dịch sau mổ : có thể tồn tại vài tuần đến vài tháng. Giải quyết bằng chọc hút, đôi khi phải dẫn lưu
• Cảm giác mất cân bằng, đặc biệt là đối với những phụ nữ có tuyến vú to, từ đó dẫn đến những khó chịu ở vùng đầu, cổ và vai. Cần có những bài tập để khắc phục tình trạng này
• Cảm giác đau, tê bì, dị cảm ở vùng ngực, vai, cánh tay bên mổ do các nhánh thần kinh nhỏ bị tổn thương. Cảm giác này có thể tồn tại vài tuần hoặc vài tháng.
• Phù bạch huyết : do phẫu thuật nạo vét hạc nách và tia xạ làm chậm quá trình lưu thông dịch bạch huyết từ cánh tay qua vùng nách. Biến chứng này có thể xuất hiện sớm hoặc sau vài tháng đến vài năm. Bệnh nhân cần bảo vệ cánh tay và bàn tay bên điều trị khỏi các kích tác động về vật lý với các biện pháp cụ thể như: không đeo đồ trang sức chật, không làm nặng, tránh để bị đứt tay, côn trùng đốt, không tiêm truyền, tránh bị bỏng nắng, bỏng nhiệt…
Với mức độ nặng, nên gặp bác sỹ để được chỉ dẫn về cách khắc phục bằng các bài tập, các dụng cụ hỗ trợ.
Xạ trị
• Mệt mỏi là biến chứng thường gặp, đặc biệt là về thời gian cuối của quá trình điều trị.
• Vùng da điều trị bị xạm, đỏ, khô, ngứa, đến cuối đợt điều trị có thể bị viêm da ướt. Việc để vùng da này tự do trước không khí sẽ giúp chóng liền. Mặc áo rộng, chăm sóc nhẹ nhàng vùng da tránh bị các kích thích về cơ học, nhiệt độ và nhiễm khuẩn. Các tác dụng phụ tại vùng da sẽ mất sau khi dừng tia xạ một thời gian.
Hoá trị
Hoá trị cũng tác động đến các tế bào lành. Tác dụng phụ của hoá trị phụ thuộc vào loại thuốc và liều lượng thuốc. Nói chung các thuốc chống ung thư thường tác động mạnh đến các tế bào phân chia nhanh và các tác dụng phụ gặp phải là do chức năng mà các tế bào này đảm nhiệm bị ảnh hưởng:
• Các tế bào máu: dẫn đến dễ mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn, dễ bị chảy máu, cảm giác yếu và mệt mỏi
• Các tế bào nang lông: dẫn đến rụng lông, tóc. Lông, tóc sẽ mọc dần trở lại sau khi dừng điều trị
• Các tế bào trong ống tiêu hoá: dẫn đến mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, nôn…các tác dụng phụ này có thể điều chỉnh được bằng thuốc
Một số thuốc có thể làm mất chức năng buồng trứng dẫn đến vô sinh và các biểu hiện của tình trạng mãn kinh. Một số biến chứng hiếm gặp là suy tim, bệnh lơ xê mi.
Điều trị nội tiết
ở đây đề cập chủ yếu đến tác dụng phụ của tamoxifen, loại thuốc nội tiết sử dụng rộng rãi nhất. Không phải mọi phụ nữ đều gặp phải tác dụng phụ khi dùng tamoxifen. Thuốc ngăn chặn tác động của estrogen lên tế bào, do vậy nói chung tác dụng phụ của thuốc giống như 1 số biểu hiện của mãn kinh: các cơn nóng, tiết dịch âm đạo, đau đầu, mệt mỏi, khô âm đạo, gây nên các cục máu đông ở tĩnh mạch, đặc biệt là ở chân, phổi. Thuốc cũng có thể gây nên ung thư lớp cơ hoặc nội mạc tử cung.
Đối với những phụ nữ cắt buồng trứng, tình trạng mãn kinh sẽ xuất hiện ngay với các biểu hiện nặng hơn so với mãn kinh tự nhiên. Cần phải có sự chuẩn bị trước cho bệnh nhân về vấn đề này.
Điều trị sinh học
Thường xuất hiện các triệu chứng: sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn, đau đầu, ỉa chảy, khó thở, và đặc biệt có thể gây hại đến tim…Các biểu hiện này thường nặng lên sau lần điều trị đầu tiên.
Vấn đề tái tạo tuyến vú
Một số phụ nữ muốn được tái tạo lại tuyến vú có thể cùng lúc hoặc sau khi cắt tuyến vú, một số ưa thích đeo vú giả, còn một số khác lại không muốn cái gì cả. Phẫu thuật tái tạo tuyến vú có thể sử dụng chất liệu độn bằng các túi chất dẻo hoặc sử dụng các vạt da – cơ của bản thân. Mỗi phương pháp có những ưu và nhược điểm riêng. Cần trao đổi kỹ với bác sỹ trước khi quyết định.
Theo dõi sau điều trị
Khám lại đều đặn sau điều trị giữ vai trò rất quan trọng, công việc này giúp đánh giá sự hồi phục của bệnh nhân, sự xuất hiện và mức độ của các tác dụng phụ của điều trị và phát hiện sớm sự trở lại của bệnh nếu có.Việc đánh giá kết quả điều trị cũng chủ yếu dựa vào những thông tin thu được qua quá trình theo dõi sau điều trị. Thông thường trong 3 năm đầu sau điều trị cứ 3 tháng bệnh nhân sẽ đến khám lại 1 lần, 2 năm tiếp theo là 6 tháng/lần và sau đó 1 năm/lần. Tại mỗi lần khám lại, bác sỹ sẽ hỏi và khám để phát hiện các tác dụng phụ của điều trị, khám kỹ tại chỗ và toàn thân để xem có tái phát và di căn xa hay không, bác sỹ cũng có thể chỉ định làm một số xét nghiệm nếu cần.
Phương pháp tự khám vú Phương pháp tự khám vú được khuyến cáo tiến hành hằng tháng sau sạch kinh 5 ngày đối với phụ nữ từ 20 tuổi trở lên. Các bước tiến hành theo thứ tự được mô tả như sau: - Chuẩn bị: Cần cởi bỏ áo, nơi tiến hành tự khám vú có thể ở buồng ngủ là tốt nhất hoặc có thể ở buồng tắm, có đầy đủ ánh sáng, có thể ngồi trên ghế hoặc đứng miễn là thoải mái. - Quan sát: Xuôi tay, quan sát xem có các thay đổi ở vú : u cục, dầy lên, lõm da hoặc thay đổi mầu sắc da. - Đưa tay ra sau gáy, sau đó quan sát lại - Chống tay lên hông làm cử động cơ ngực lên xuống bằng động tác nâng vai lên hay hạ vai xuống. Động tác này làm cho các thay đổi nếu có sẽ rõ hơn. - Nặn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra hay không. Sờ nắn: - Đưa tay phải ra sau gáy. - Dùng tay trái sờ nắn vú phải, 4 ngón tay đặt sát vào nhau thành một mặt phẳng, ép đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú trở ra ngoài. - Kiểm tra (từng vùng của vú) và cả về phía hố nách. - Làm tương tự với vú bên trái. Khi nằm: - Nằm ngửa thoải mái - Đặt một gối mỏng ở dưới lưng bên trái - Lặp quá trình khám như ở buồng tắm - Chuyển gối, làm lại cho bên phải | |
-
Nghiên cứu của ĐH Harvard: Trẻ có 3 đặc điểm này lớn lên KIẾM TIỀN rất siêu, không phải cứ học giỏi là sẽ giàu có
-
Tôi dặn con: Sau này bố mẹ mất là hết, chẳng phải hương khói giỗ chạp làm gì cả
-
“Đại gia ngầm” số 1 Trung Quốc, sở hữu 3.000 hecta đất ở Hồng Kông, nhưng không hề bán hay cho thuê, làm giàu bằng cách hiến tặng những mảnh nhỏ
-
Bài học từ tư duy triệu phú: Không tham lợi nhuận nhỏ là người nỗ lực nhưng làm được 2 việc này mới đến gần với thành công
-
Người có phẩm đức sẽ không hèn, có học thức sẽ không nghèo
-
Vì sao làm càng nhiều sẽ càng chịu thiệt thòi: Không biết 5 quy tắc ngầm này, bạn vừa hại thân, vừa khiến sự nghiệp xuống dốc!