www.bachkhoakienthuc.com

Không khí nhiễm độc chì: Hạn chế cho trẻ ra ngoài giờ cao điểm

28/04/2016 15:28

Trẻ em rất dễ nhiễm độc chì và khó chữa. Nhẹ thì kém ăn,sa sút trí nhớ, nhiều trường hợp bệnh nặng, trẻ có thể bị liệt, co giật và hôn mê, người lớn bị suy thận.

Không khí nhiễm độc chì

Kiểm tra 6 trạm quan trắc không khí đặt tại những điểm “nóng” về ô nhiễm tại TP Hồ Chí Minh, Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM phát hiện 89% mẫu không đạt chuẩn, luôn ở mức nguy hại cao cho sức khỏe con người, trong đó lượng bụi lơ lửng sinh ra từ khói, bụi đang là nhân tố gây ô nhiễm nghiêm trọng hàng đầu trên địa bàn.

Ô nhiễm
Ô nhiễm khói bụi tại TP HCM đã ở mức báo động

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm không khí do chì cũng gia tăng nhanh chóng, nồng độ chì đo được tại các trạm quan trắc từ đầu năm 2009 đến nay thường dao động ở ngưỡng 0,22 - 0,38g/m³, khu vực có nồng độ chì cao nhất là xung quanh ngã sáu Gò Vấp.

Nồng độ NO2 tại các trạm quan trắc cũng vượt tiêu chuẩn (thường dao động ở mức 0,19 - 0,34mg/m³ ) và đang có biểu hiện ngày càng gia tăng.

"Chắc chắn ảnh hưởng tới sức khỏe"

PGS.TS Lê Văn Khoa - trưởng bộ môn quản lý môi trường, khoa tài nguyên và môi trường ĐH Bách khoa TP.HCM - lưu ý thêm nồng độ chất benzen (sinh ra từ xăng dầu, dung môi, khí thải xe máy) trong không khí ven đường rất đáng ngại.

Trong khi đó PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM) cho biết bộ số liệu quan trắc chất lượng không khí tại TP.HCM mà ông có được cho thấy trong giai đoạn từ năm 2010 đến sáu tháng đầu năm 2015 không khí tại TP này chủ yếu bị ô nhiễm loại bụi lơ lửng.

Nên đeo khẩu trang đạt chuẩn khi tham gia giao thô
Nên đeo khẩu trang đạt chuẩn khi tham gia giao thông

Một chuyên gia của Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, thực tế y học ghi nhận nhiều bệnh tật về đường hô hấp do môi trường không khí bị ô nhiễm do bụi, hơi khí độc CO, CO2... Đây được coi là tác nhân này gây ra các bệnh: viêm nhiễm do vi khuẩn, virus, hen, lao, dị ứng, viêm phế quản...

Nhiễm độc chì nguy hiểm cỡ nào?

Ngộ độc chì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và hệ thần kinh, ở mức nặng, nạn nhân có thể tử vong.

Hiện nay, chưa có con số thống kê cụ thể các trường hợp nhiễm độc chì tại Việt Nam. Riêng Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 797 trường hợp có biểu hiện ngộ độc chì, có đến 179 trẻ chứa lượng chì trong máu quá lớn trong 2 năm 2013-2014. Số trẻ bị nhiễm độc chủ yếu do cha mẹ dùng thuốc cam, hít sơn pha chì và do môi trường ô nhiễm.

NGO201_9ba62
Một bệnh nhi bị ngộ độc chì nặng

Theo các chuyên gia, người lớn hấp thụ chì thấp hơn trẻ nhỏ. Khi nhiễm độc chì, người lớn có thể chữa khỏi hoàn toàn, trẻ em lại dễ phải chịu ảnh hưởng xấu hơn.Với ngộ độc nhẹ, trẻ bỏ ăn, hay quấy khóc, không nghe lời. Người lớn ăn không ngon, trí nhớ kém, khó ngủ, khả năng làm việc giảm. Với các trường hợp nhiễm độc nặng trẻ có thể bị liệt, co giật và hôn mê, người lớn bị suy thận.

PGS.TS Phạm Duệ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vì ngộ độc chì 1 cháu bé 5 tuổi đã bị ảnh hưởng đến trí tuệ. Đến năm 11 tuổi cháu mới tự lấy quần áo tắm, 17 tuổi mới có thể viết được những chữ cái đầu tiên.

Cuối năm 2014, cháu B.N.P, (31 tháng tuổi, Hòa Bình) được đưa tới Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng co giật, tím tái. Do 2 tháng liên tiếp dùng thuốc cam, cháu đã bị ngộ độc chì. Trong 1 năm, cháu từng phải nhập viện gần chục lần. Việc điều trị vô cùng gian nan.

Làm sao để phòng tránh?

PGS.TS Lê Văn Khoa cho biết: “Việc đi lại trên đường phố là nhu cầu thiết thân hằng ngày, do vậy phơi nhiễm thường xuyên bụi có nồng độ cao như thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, chủ yếu là các bệnh về da và đường hô hấp".

Theo các chuyên gia, với mức độ phát thải khí thải cũng như tiếng ồn ở đô thị như hiện nay, tốt nhất nên hạn chế cho người già, trẻ nhỏ ra đường vào giờ cao điểm.

Đối với các trường hợp buộc phải tham gia giao thông, cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn chống khói bụi khi ngồi trên mô tô, xe máy.

Ngoài ra, bố mẹ có thể làm theo một số hướng dẫn sau:

- Nếu bị tắc đường cần kéo kín cửa kính ô tô.

- Sử dụng khẩu trang và kính để bảo vệ mặt và mắt cho trẻ khi đi trên đường.

- Tắm hoặc rửa mặt, mũi, chân, tay và thay quần áo cho trẻ mỗi khi đi từ ngoài về.

- Đưa trẻ đi chơi ở những khu vực công viên cây xanh có không khí trong lành.

- Dạy trẻ những bài tập thở. Những bài tập này sẽ mang lại lợi ích gấp đôi nếu được tập ở những nơi sạch sẽ nhiều cây xanh. Nếu không có thể tập trong nhà.

Xem clip nguy cơ ung thư vì nhiễm độc chì

Nguồn tham khảo:

http://hepa.gov.vn/content/tintuc_chitiet.php?catid=252&subcatid=0&newsid=243&langid=0

http://songkhoe.vn/nhiem-doc-chi-nguy-hiem-nhu-the-nao-s2964-0-155401.html

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151026/o-nhiem-khong-khi-tphcm-khi-doc-hai-tang-cao/991099.html

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/o-nhiem-khong-khi-o-tp-hcm-tang-cao-3302213.html

Nếu không muốn hại con, ngừng ngay những việc này từ hôm nay
Cho trẻ ăn kẹo, uống nước ngọt có gas, sử dụng smartphone, mắng chửi... là những việc khiến cho trẻ tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần những chúng ta lại hay mắc phải...