www.bachkhoakienthuc.com

Người giàu và người nghèo đi họp lớp: Bài học sâu sắc ai cũng nên ghi nhớ

27/09/2022 13:36

Tôi chực trào nước mắt khi thấy một người quần áo nhăn nheo bạc màu đứng lớ ngớ trước cổng nhà hàng.

Tôi là một giáo viên về hưu, thường xuyên được mời dự các buổi họp lớp. Học trò tôi ra trường, học đại học, đi làm rồi thành đạt cũng nhiều, kẻ bất đắc chí, sa cơ lỡ vận cũng không ít. Có thể ai đó luôn tự hào, giới thiệu mình là thầy cô dạy nên ông này bà nọ nào đó. Nhưng tôi luôn chú ý và đồng cảm, sẻ chia với những học trò không thành đạt của mình.

Có lần đi họp lớp, gặp một người đàn ông trong chiếc sơ mi dài tay nhăn nheo, chiếc quần tây bạc màu lơ ngớ trước cổng nhà hàng, tôi đã chực trào nước mắt khi nhận ra đó là học trò của tôi. Mấy mươi năm trước vẫn là cậu học trò hiền lành giỏi giang nhưng nay đã bị sương gió của cuộc đời phủ lấy.

Lần khác, một nhóm học trò nữ, không có duyên với công danh đỗ đạt, lấy chồng rồi về quê chồng làm ăn nuôi con, bàn tay nhăn nheo, đen thủi mà tôi mang máng nhớ ra đây là học trò của mình.

Cũng có lần, sau khi được mời phát biểu, tôi thẳng thắn góp ý:

"Cô rất tự hào và ngưỡng mộ với những trò giỏi giang và thành đạt, chúc mừng các em. Cũng chia sẻ với những em còn lận đận. Cô có góp ý thế này, khi họp lớp, các em nên bỏ ngoài cổng nhà hàng chức tước, danh vọng, quyền vị đi.

Đến đây, ai cũng nên trở về thời học sinh áo trắng. Hy vọng các em đóng góp nhiều cho xã hội. Hãy dành buổi họp lớp để ôn lại kỷ niệm của tuổi hồn nhiên, chỉ xảy ra một lần trong đời và đã trôi đi".

Có vài học trò tứ tán bốn phương nay quần tụ ở lớp. Về khoảng cách địa lý đã hẹp, nhưng khoảng cách trong lòng người dần xa, khi các em cứ giới thiệu người thành đạt, người kia làm chức to, tậu nhà, sắm xe...

Các em hãy lập quỹ, hội liên lạc trong lớp. Bạn bè có hỷ sự vui buồn thì chia sẻ với nhau. Bệnh tật thì chăm nom quyên góp giúp đỡ nhau. Kết nối giúp nhau làm ăn. Nếu có thể, hãy nhận đỡ đầu con cái của những bạn ở quê, kém may mắn hơn. Cùng giúp nhau thành công thì đó mới là sự thành công chắc chắn. Hãy cố gằng đừng tạo ra khoảng cách kẻ thành công- người thất bại trong buổi họp lớp".

Người ta nói dạy học là nghề đưa đò và thầy cô là những người cầm tay chèo để nói lên sự bạc bẽo của nghề. Vì mấy khi lữ khách qua sông mà còn nhớ đến người đã đưa mình đến bờ bên kia.Và người ta cũng nói hạnh phúc là một quá trình chứ không phải đích đến. Thật đúng trong trường hợp này. Nhìn mỗi thế hệ học sinh mình dạy dỗ, nâng niu suốt cả năm học chín tháng trưởng thành từng ngày, lòng người thầy cô nào cũng vui sướng.

Nhưng tôi nghĩ họp lớp không nhất thiết phải ở nhà hàng khách sạn sang trọng, hãy trở về trường, thăm lại gốc cây che mát, phòng học râm ran tiếng cười đùa năm xưa. Thăm lại ông giáo, bà giáo già ngày xưa đã dạy học mình. Những buổi họp lớp ăn nhậu và phô trương chẳng ích gì.

Mỗi người có số phận khác nhau, xuất phát điểm khác nhau, xuất thân trong môi trường khác nhau đều được dòng đời xô đi những ngã rẽ khác nhau mà ta không biết và cũng không tài nào hiểu được. Nếu như đời đã không nương kẻ thất thế thì bạn bè hãy mở lòng và sẻ chia.

Đừng khoe khoang hay lên mặt, phô diễn hay gây chú ý bởi sự thành công của mình trong buổi họp lớp, bởi "Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng - Được, mất, thành, bại bỗng chốc hóa hư không" - là hai câu thơ mà tôi tâm đắc.

hop-lop
Hình minh họa

***

Tất nhiên, có thể nhìn họp lớp ở một góc khác, đó là bài học từ những người thành công. Từ những người bạn thành đạt, tôi nhìn ra được một vài quy tắc của cuộc sống.

Quy tắc 1: Điểm xuất phát không quyết định tất cả

Người học trường mẫu giáo danh tiếng chưa chắc đã học tiểu học tốt, học trường chuyên chưa chắc học giỏi ở đại học.

Lớp chúng tôi năm đó có 40 người nhưng chỉ có 30 người đỗ đại học, số trượt có thể học trung cấp hoặc học nghề. Giữa chúng tôi lúc đó có xuất phát điểm rất khác nhau. Nhưng ở tuổi 40 tuổi, tôi thấy rằng sự chênh lệch số phận không lớn. Ít nhất, không lớn bằng sự chênh lệch điểm số của kỳ thi đại học năm xưa. Giống như khi ta nuôi dạy một đứa trẻ, người lớn có thể nhớ chính xác chiều cao và cân nặng của chúng hàng tháng vào thời điểm ban đầu và có sự cạnh tranh dữ dội với những đứa trẻ khác. Nhưng khi đứa trẻ đã vào tuổi vị thành niên, cha mẹ nghĩ những điều này không quan trọng và không còn quan tâm đến nó.

Khi tuyến thời gian của chúng ta càng kéo dài, những thành tích tạm thời đã không còn là cơ sở để xác định đích đến cuối cùng của một người.

Quy tắc 2: Yếu tố quyết định thành bại không nằm ở các môn học được kiểm tra

Trí thông minh nhân tạo mang tên AlphaGo của Google sau nhiều lần đánh bại kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới Kha Khiết người Trung Quốc đã khiến nhiều người giật mình nhận ra rằng: "Những năng lực có thể thay thế bằng máy móc hay trí tuệ nhân tạo đều là những năng lực không đáng để rèn luyện". Những kỳ thi, những bài kiểm tra trên trường lớp hiện nay khiến học sinh tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực đa phần chỉ dùng đánh giá khả năng nắm vững kiến thức mà không phải để nâng cao năng lực thực sự.

Người Mỹ từng thống kê mức lương hàng năm của những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Những trường giữ vị trí top luôn là các trường chuyên công nghệ như Viện công nghệ Massachusetts, Viện công nghệ California, Học viện Công nghệ Georgia... Các trường mang tính tổng hợp như Harvard, Yale, Princeton University... đều không nằm trong số này. Nhưng khi so sánh tình hình lương 15 năm sau, những trường đại học đào tạo tốt về giáo dục phổ thông như Harvard và Princeton đã chen chân vào top 10, vượt qua các trường đại học tập trung vào kỹ thuật và kinh doanh. Nguyên nhân là do những trường này dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa. Những hoạt động tưởng chừng không liên quan này đã trau dồi những phẩm chất nổi bật khác nhau của sinh viên như tinh thần chiến đấu, làm việc nhóm, kỹ năng xã hội, diễn đạt....

Đây là mục đích và lợi ích của giáo dục phổ thông - cho phép học sinh hiểu thế giới, có khả năng đương đầu với cuộc sống phức tạp và sự tự tin để nhận ra giá trị của bản thân. Chính điều này đã mang lại sức chịu đựng lâu dài cho sự phát triển và hoạt động cá nhân.

Chỉ cần tập trung sống cuộc đời của mình thì sẽ có thành công theo hệ quy chiếu của riêng mình. Ảnh minh họa.

Quy tắc 3: Thành công không có ý nghĩa tuyệt đối

Sau 20 năm tốt nghiệp, bạn sẽ thấy những người bạn năm xưa mình ghét cay ghét đắng không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Những người từng được tôn thờ, thần tượng cũng chỉ có cuộc sống tương tự như bạn mà thôi. Bạn sẽ thấy rằng, thành công không mang tính tuyệt đối nên không cần hâm mộ hay khinh thường bất cứ ai. Chỉ cần tập trung sống cuộc đời của mình thì sẽ có được thành công theo hệ quy chiếu của riêng mình.

Những người vượt qua người khác trên đường đời không phải vì anh ta muốn vượt qua bạn, mà vì anh ta quyết định đi đến nơi xa nhất. Nếu bạn không có một trái tim mạnh mẽ và vẫn tin rằng "kẻ mạnh mới là kẻ chiến thắng" và phải nắm chắc các nguồn tài nguyên giáo dục tốt nhất thì mới thành công thì con bạn nhiều khả năng sẽ có cuộc sống thất bại.

Quy tắc 4: Mối quan hệ gia đình êm ấm là cách giáo dục tốt nhất

Trong số các bạn cùng lớp, một số người có cuộc sống khá tệ. Đó là những bạn lớn lên trong một gia đình bố mẹ không hạnh phúc. Khi những người này trưởng thành, họ đều mang kiểu sống này áp dụng cho gia đình mới của mình, thậm chí có người không kết hôn hoặc không sinh con. Một số bạn chọn làm bà mẹ đơn thân, luôn gieo rắc vào đầu con về "thiếu lòng tin vào đàn ông" khiến không chỉ người bạn đó mà những đứa trẻ cũng nhìn đời đầy đen tối. Khi đời sống tinh thần, tình cảm không trọn vẹn thì sự nghiệp có thành công đến mấy cũng khó mà hạnh phúc.

Vì vậy điều quan trọng hơn việc tìm lớp ngoại khóa, học thêm cho con là phải xây dựng được mối quan hệ gia đình tốt giữa cha mẹ và con cái. Mối quan hệ chặt chẽ và tích cực là cách đầu tư giáo dục tốt nhất cho trẻ.

Quy tắc 5: Đời người như cuộc đua marathon, sức dai sẽ đến đích

Cuộc đời là một cuộc đua marathon, lúc xuất phát thường rất đông, nhưng sau 1/4 chặng, khoảng cách giữa các vận động viên được nới rộng ra, lợi thế xuất phát ban đầu không còn tác dụng.

Nhiều cha mẹ nói rằng không để con mình thua ở vạch xuất phát, vì vậy họ cố gắng giành lấy một chỗ ở vạch xuất phát cho con càng sớm càng tốt. Nhưng thực tế, con đường đến thành công không đông đúc như tưởng tượng, bởi cuộc đua marathon của cuộc đời còn dài. Trên đường hầu hết mọi người đều chủ động rút lui sau khi chạy chưa được một nửa chặng. Số ít còn lại không phải sợ còn quá nhiều đối thủ mà chỉ lo làm sao tìm được người đồng hành cùng mình. Do đó giáo dục là việc của cả đời. Người về đích cuối cùng chính là người dai sức nhất.

Nhìn lại lớp mình, tôi thấy có rất nhiều bạn từng cạnh tranh gay gắt với nhau từ cấp 2 cho khi lên đến đại học. Nhiều người cũng có bằng tiến sĩ nhưng họ không tiếp tục học những điều mới sau đó. Một số người từng giỏi hơn chúng tôi ở trường và có vị trí xuất phát tốt hơn đã từ bỏ cuộc đua marathon của cuộc đời. Chúng tôi có thể chạy xa hơn chỉ vì vẫn đang chạy, thế thôi.

Nếu không muốn hại con, ngừng ngay những việc này từ hôm nay
Cho trẻ ăn kẹo, uống nước ngọt có gas, sử dụng smartphone, mắng chửi... là những việc khiến cho trẻ tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần những chúng ta lại hay mắc phải...