www.bachkhoakienthuc.com

Những sai lầm khi pha sữa có thể gây hại cho em bé

22/04/2016 06:48

Nhiều bà mẹ đang pha sữa sai cách, gây hại cho sức khỏe của bé, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong mà không hề hay biết.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ không đủ sữa cho con bú hoàn toàn nên phải cho bé dùng thêm sữa công thức. Trong trường hợp này, cần đặc biệt chú ý khi pha sữa.

Hâm nóng bình sữa bằng lò vi sóng

Bất kể bình sữa của bé làm bằng chất liệu gì, đừng bao giờ hâm bình sữa trong lò vi sóng. Lò vi sóng không làm nóng sữa đều, chỗ nóng chỗ lạnh khác nhau và có thể gây ra những chỗ cực nóng trong sữa, làm bỏng miệng bé.

Thay đổi công thức pha sữa

Trên vỏ lon sữa đã có ghi rõ ràng các bước chuẩn bị chuẩn xác để có bình sữa cho bé “tuti”, quy trình và cách thức của mỗi nhãn hiệu sữa có thể khác nhau. Mẹ cần phải làm đúng như những gì hướng dẫn đã chỉ để pha cho bé. Nếu cho quá nhiều nước, em bé có thể sẽ bị thiếu lượng dinh dưỡng cần thiết. Nếu cho quá ít nước, em bé lại có nguy cơ bị mất nước. Vì vậy, làm theo đúng những gì đã hướng dẫn ở trên vỏ hộp sữa là vô cùng cần thiết, trừ khi có chỉ định đặc biệt khác của bác sĩ.

Dùng nước khoáng để pha sữa công thức cho bé

Đôi khi, nhiều bậc cha mẹ dùng nước khoáng thay thế cho nước lọc đã đun sôi để để pha sữa cho em bé. Nước khoáng là loại nước bão hòa chứa hàm lượng khoáng chất cực kì cao có thể gây hại đến trẻ sơ sinh. Một số loại nước khoáng còn chứa nhiều muối và canxi, cao hơn lượng chất mà trẻ cần hấp thụ. Vì thế, dùng nước khoáng pha sữa cho con có thể khiến bé bị ngộ độc, hại thận, rất nguy hiểm.

Pha sữa cho bé phải theo chỉ dẫn của nhà sản xuất
Pha sữa cho bé phải theo chỉ dẫn của nhà sản xuất

Nước pha sữa không đủ nóng

Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến khích nước pha sữa cần phải nóng đến ít nhất là 70 độ C để thanh trùng, diệt vi khuẩn trong cả nước và cả sữa công thức. Nước để pha sữa còn phải là nước không để quá 30 phút sau khi đun sôi. Trước khi cho em bé uống, hãy làm mát một cách nhanh chóng bằng cách để bình sữa dưới vòi nước đang chảy, cho đến khi sữa hạ nhiệt độ đến mức vừa phải để bé uống được.

Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến khích nước pha sữa cần phải nóng đến ít nhất là 70 độ C để thanh trùng, diệt vi khuẩn trong cả nước và cả sữa công thức. (Ảnh minh họa)

Cho bé bú quá lâu

Một chai sữa nóng luôn là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Kể cả vi khuẩn từ nước bọt của bé cũng có thể sinh sản ngay trong bình sữa khi bé ngậm quá lâu. Tổ chức WHO khuyến cáo, nếu sau 2 tiếng đồng hồ mà bé không chịu “ti” hết bình thì cần bỏ bình sữa đi. Nếu mẹ mang bình sữa đã pha sẵn đi theo trong khi đi xa, bình sữa cần phải được bỏ đi sau 24 giờ không sử dụng.

Cho bé bú quá nhiều

Chính bé yêu của bạn là người quyết định chính xác nhất bé cần ăn bao nhiêu là đủ. Mẹ đừng hi vọng một em bé sơ sinh luôn luôn bú hết sạch bình sữa trong mỗi lần ăn. Nếu thấy bé ngừng bú thì mẹ cũng không phải ép bé bú tiếp.

Để bé ngủ trong lúc đang bú sữa

Nguy cơ bé hóc, nghẹn, nôn trớ khi ngủ gật trong lúc bú sữa là rất cao. Ngoài ra thì răng của bé cũng dễ bị sâu nếu ngậm sữa trong một thời gian dài.

Để bé tự bú sữa một mình

Đừng bao giờ để bé tự cầm bình sữa và tu một mình, nguy cơ nôn trớ và nghẹt thở dẫn đến tử vong cũng rất cao.

Hâm nóng sữa hơn 10 phút

Khi hâm nóng bình sữa, các mẹ phải chú ý lấy bình ra trong 10 phút. Để quá 10 phút có thể sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong sữa. Điều này có thể khiến em bé bị tiêu chảy.

Bé 10 tháng tuổi tử vong vì nằm bú bình

Tháng 3 năm 2015, một bé gái 10 tháng tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội đã tử vong sau khi mẹ cho bé nằm bú và vừa ngủ vừa bú bình.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, sau khi bú hết bình sữa, em bé được đặt nằm ngủ tiếp một mình (không có người lớn trong phòng) còn người mẹ dậy đi chuẩn bị nấu cháo và đồ ăn sáng cho cả nhà.Vài giờ sau, người mẹ quay lại định đánh thức con dậy ăn cháo thì phát hiện toàn thân bé tím tái, khó thở. Gia đình vội đưa bé vào cấp cứu tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai nhưng em đã không thể qua khỏi.

Theo ThS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, có khả năng bé bị đột tử do hội chứng trào ngược trong khi nằm ngủ. Qua khai thác tiểu sử gia đình, được biết, bé gái xấu số trên đang bị rối loạn tiêu hóa, có hiện tượng nôn trớ. Chính việc nôn trớ càng khiến bé dễ bị hội chứng trào ngược, dẫn tới tử vong.

ThS Nam khuyến cáo, mặc dù nằm bú vẫn là tư thế bú của trẻ được phép nhưng tư thế này có nhiều rủi ro, đặc biệt đối với những bé hay nôn trớ hoặc bị rối loạn tiêu hóa thì càng phải tránh. Sau khi bé bú xong, không nên đặt bé nằm ngay, cũng không đùa giỡn, tâng bồng lên xuống và nên chăm sóc, theo dõi trẻ chu đáo, không được để bé nằm ngủ một mình mà không có người giám sát.

Cấp cứu cho một bệnh nhi, ảnh minh họa
Cấp cứu cho một bệnh nhi, ảnh minh họa

Bé 10 tuần tuổi tử vong vì bú sữa mẹ pha loãng với nước

Một trường hợp tử vong thương tâm khác cũng liên quan đến việc cho trẻ bú sữa không đúng cách: bé gái Nevaeh 10 tuần tuổi (Georgia, Mỹ) qua đời vì uống sữa mẹ pha loãng với nước.

Bố mẹ của bé Nevaeh đã bị cảnh sát bắt giam vì cho con gái uống sữa mẹ pha loãng với nước.

Bố mẹ của bé đã bị cảnh sát bắt giam vì cho con gái uống sữa mẹ pha loãng với nước, dẫn đến tình trạng não sưng, hàm lượng các chất điện giải và muối trong cơ thể giảm và bé đã tử vong vì ngộ độc nước. Ngoài ra, họ còn bị buộc tội là đã không đưa con đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời mà ở nhà cầu nguyện (theo tín ngưỡng tôn giáo của họ). Đến khi tình trạng của con rất nặng, họ mới mang con đi khám nhưng đã quá muộn.

Một loạt các chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Viện Hàn lâm y học về Nuôi con bằng sữa mẹ, Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ và trang Kelly Mom.com đều khuyến cáo không nên cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi uống nước vì những hậu quả nguy hiểm mà hành động này mang lại.

Bé 6 tuần tuổi tử vong vì mẹ 'nghiện' dùng thuốc giảm đau khi cho con bú

Năm 2010, bé Alexis (Nam Carolina, Mỹ) được phát hiện chết trên giường ngủ của cha mẹ mình. Kết quả khám nghiệm tử thi đã tìm thấy một lượng morphine có thể gây chết người trong máu của đứa trẻ. Nguyên nhân được xác định là do người mẹ thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau và miếng dán có chứa morphine trong suốt quá trình cho con bú.

Stephanie Greene - mẹ của em bé đã liên tục dùng loại thuốc giảm đau bất hợp pháp ít nhất 38 lần trong gần hai năm.

Các chuyên gia y tế trên thế giới đều khuyến cáo, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ chỉ được phép dùng thuốc chứa một lượng nhỏ morphine, vì chất này có thể ngấm vào sữa và gây nguy hại cho con trẻ. Tuy nhiên, như người ta đã điều tra thì Stephanie Greene - mẹ của em bé đã liên tục dùng loại thuốc bất hợp pháp này ít nhất 38 lần trong gần hai năm.

Nếu không muốn hại con, ngừng ngay những việc này từ hôm nay
Cho trẻ ăn kẹo, uống nước ngọt có gas, sử dụng smartphone, mắng chửi... là những việc khiến cho trẻ tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần những chúng ta lại hay mắc phải...