Trình tự, thủ tục ăn hỏi và xin dâu chuẩn nhất
Thủ tục ăn hỏi truyền thống và các bước xin dâu tại nhà gái theo phong tục cổ truyền Việt Nam. Lễ ăn hỏi, nạp tài, dạm ngõ gồm những lễ vật gì, bao nhiêu tiền, gồm mấy tráp...
Lễ ăn hỏi là gì?
Trước khi tổ chức đám cưới, gai đình hai bên trai gái tổ chức lễ ăn hỏi. Đây là một phong tục cổ truyền của người Việt Nam.
Lễ ăn hỏi còn được gọi là lễ đính hôn là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: cô gái trở thành "vợ sắp cưới" của chàng trai, và chàng trai sau khi mang lễ vật đến nhà gái là đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái và tập gọi bố mẹ xưng con.
Trong lễ ăn hỏi, nhà trai mang lễ vật tới nhà gái. Nhà gái nhận lễ ăn hỏi tức là chính danh công nhận sự gả con gái cho nhà trai, và kể từ ngày ăn hỏi, đôi trai gái có thể coi là đôi vợ chồng chưa cưới, chỉ còn chờ ngày cưới để công bố với hai họ.
Lễ vật trong lễ ăn hỏi |
Lễ nạp tài là gì?
Trong lễ ăn hỏi, ngoài các sính lễ như trầu cau, bánh kẹo, đầu lợn (theo phong tục...), nhà trai thường chuẩn bị một phong bì đựng tiền mang theo đến nhà gái.
Số tiền trong lễ nạp tài tùy theo phong tục từng gia đình, vùng, miền nên không giống nhau. Ít thì có thể vài ba triệu đồng, nhiều có thể lên tới hàng chục triệu.
Thông thường, nhà trai hỏi khéo nhà gái (thông qua con dâu tương lai hoặc bà mai mối) về số tiền nạp tài để chuẩn bị số tiền sao cho phù hợp.
Nhiều nơi còn cầu kỳ, yêu cầu chuẩn bị số phong bì lẻ theo bát hương trên bàn thờ nhà gái, số tiền trong phong bì cũng để theo số lẻ như 1, 3, 5, 7 triệu đồng...
Phong bì trong lễ nạp tài |
Lễ dạm ngõ là gì?
Lễ chạm ngõ (còn gọi là lễ xem mặt, lễ dạm ngõ) là một nghi lễ trong phong tục hôn nhân của người Việt. Lễ này nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của hai gia đình.
Lễ chạm ngõ ngày nay là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình. Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Buổi lễ này, không cần vai trò hẹn trước của người mối (kể cả những trường hợp yêu nhau nhờ mai mối), không cần lễ vật rườm rà.
Về bản chất, lễ này chỉ là một ứng xử văn hóa, thông qua đó hai gia đình biết cụ thể về nhau hơn (về gia cảnh, gia phong), từ đó dẫn tới quyết định tiếp tục hay không quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Lễ vật của lễ chạm ngõ theo truyền thống rất đơn giản: chỉ có trầu cau.
Nếu bỏ qua lễ này mà đi thẳng vào lễ ăn hỏi thì mọi việc sẽ bị cảm thấy đường đột, ngang tắt, không có khởi đầu. Vì thế, tuy không phải là một lễ trọng nhưng lại là một lễ không thể thiếu trong tiến trình hôn lễ. Hơn nữa, lễ này không tốn kém (lễ vật chỉ có trầu cau) mà lại biểu thị được bản sắc văn hóa dân tộc (văn hoá trầu cau) thì việc bỏ qua lễ này là điều không hợp lý. Đối với lễ này, thường người Việt Nam vẫn tiến hành theo khuôn mẫu cổ truyền.
Thủ tục ăn hỏi, xin dâu trong phong tục người Việt
Sau đây là trình tự, thủ tục phổ biến trong một lễ ăn hỏi, xin dâu truyền thống của người Việt Nam:
Thời gian, địa điểm tổ chức lễ ăn hỏi
Địa điểm tổ chức lễ ăn hỏi: Tại nhà gái
Thời gian tổ chức lễ ăn hỏi: Do hai gia đình thống nhất.
Mỗi lễ ăn hỏi thường diễn ra trong khoảng 30 - 60 phút. Đây là nghi thức mang tính khuôn mẫu nên thời gian này không nên kéo quá dài, khi mà hai bên gia đình chưa có nhiều chuyện để trao đổi với nhau, tránh những khoảng lặng không cần thiết.
Công tác chuẩn bị trước buổi lễ ăn hỏi
- Hai gia đình sẽ bàn bạc và thống nhất số lượng tráp (thông thường số lượng tráp ở miền Bắc là lẻ, từ 3, 5, 7 đến 15 tráp tùy nhà, còn ở miền Nam, tráp lại là số chẵn). Trong tráp phải có lễ đen, là phong bì tiền nhà trai chuẩn bị để thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Số lượng phong bì lễ đen có thể tùy thuộc vào số lượng bàn thờ của nhà gái hoặc do nhà gái thách cưới.
- Tùy số lượng tráp, nhà trai phải chuẩn bị đội nam thanh niên trẻ để bê tráp và nhà gái cũng chuẩn bị đội nữ có số lượng tương ứng để đỡ tráp.
- Hai nhà lựa chọn ra một giờ đẹp để làm lễ ăn hỏi tại nhà gái. Tới đúng ngày đã định, đoàn đại diện nhà trai sẽ lên đường tới nhà gái.
- Để đảm bảo tới nhà gái đúng giờ, gia đình nhà trai cần tính toán thời gian đi lại cũng như các trở ngại trên đường. Tốt nhất nhà trai nên đi sớm trước giờ làm lễ khoảng 30 phút để tránh tắc đường và có thời gian chuẩn bị.
Chào hỏi và trao lễ vật trong lễ ăn hỏi
Ăn hỏi và xin dâu là một nghi thức mang tính "ngoại giao" nên hai bên thường nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ khá khuôn mẫu, lịch sự.
Do vậy, màn chào hỏi cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tuân theo các chỉ dẫn sau:
- Khi tới giờ đẹp, đoàn ăn hỏi nhà trai sắp xếp đội hình theo thứ bậc trong gia đình, đi đầu là ông bà, bố mẹ, chú rể, đội bê tráp và các thành viên liên quan.
- Sau khi hai nhà chào hỏi, đoàn bê tráp nam sẽ trao lễ cho đội đỡ tráp nữ để đỡ mâm quả vào nhà.
- Đội bê tráp nam và đội bê tráp nữ sẽ trao phong bao lì xì, trả duyên cho nhau. Các phong bao này do hai nhà chuẩn bị, nhà trai sẽ chuẩn bị phong bao và đưa cho đội nam, nhà gái sẽ chuẩn bị số phong bao tương ứng đưa cho đội nữ. Số tiền trả duyên nên được hai nhà thống nhất trước.
Cách thức mời nước, trò chuyện
Sau khi chào hỏi, hai bên ổn định chỗ ngồi và bắt đầu vào câu chuyện chính của lễ ăn hỏi. Thông thường, mỗi bên chuẩn bị trước nội dung và cử người đại diện phát biểu. Người phát biểu đại diện cho họ nhà trai/ nhà gái lần lượt có ý kiến:
- Sau khi trao tráp, gia đình hai nhà sẽ cùng ngồi uống nước, nói chuyện. Đầu tiên, gia đình nhà gái sẽ giới thiệu các đại diện trong buổi lễ. Để đáp lại, nhà trai cũng giới thiệu các đại diện của gia đình.
- Đại diện nhà trai sẽ phát biểu lý do và giới thiệu về các mâm quả mà nhà trai mang đến.
- Đại diện nhà gái đứng lên cảm ơn, chấp nhận tráp ăn hỏi của nhà trai.
- Mẹ chú rể và mẹ cô dâu sẽ cùng mở tráp.
Các cô dâu ra mắt hai gia đình trong lễ ăn hỏi
Sau khi gia đình nhà gái nhận sính lễ, sẽ đồng ý "gửi" con gái về làm dâu họ nhà trai. Cô dâu tương lai sẽ được xuất hiện để ra mắt hai gia đình, nghe lời căn dặn:
- Gia đình nhà gái cho phép chú rể lên phòng đón cô dâu xuống chào gia đình nhà trai (trước khi chú rể lên đón, cô dâu không được xuất hiện trong lễ ăn hỏi).
- Cô dâu sẽ xuống chào hỏi và rót nước mời gia đình chú rể, ngược lại, chú rể cũng sẽ rót nước mời gia đình cô dâu.
Làm lễ thắp hương trên bàn thờ của nhà gái
- Sau khi cô dâu ra mắt, mẹ cô dâu sẽ lấy từ mâm ngũ quả một số vật phẩm và lễ đen để mang lên bàn thờ thắp hương cúng ông bà, tổ tiên.
- Bố mẹ cô dâu sẽ đưa cô dâu và chú rể lên thắp hương trên bàn thờ nhà gái.
Nhà trai và nhà gái bàn bạc về lễ cưới trong lễ ăn hỏi
Để chuẩn bị cho lễ cưới được chu toàn, hai gia đình sẽ bàn bạc trình tự, thủ tục, số lượng khách mời, thời gian, địa điểm tổ chức hôn lễ. Kế hoạch dự kiến do nhà trai đưa ra để nhận được sự "phê duyệt" của nhà gái.
- Sau khi cúng ông bà tổ tiên xong, bố mẹ hai nhà sẽ thống nhất ngày giờ đón dâu và lễ cưới.
- Trong thời gian đó, cô dâu chú rể mời nước quan khách và chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người.
Nhà gái lại quả cho nhà trai và kết thúc lễ ăn hỏi
Theo phong tục, nhà gái không được giữ lại tất cả đồ lễ mà phải "lại quả" cho nhà trai một ít lễ vật. Việc chuẩn bị đồ lễ lại quả tùy theo từng gia đình.
- Nhà gái sẽ chia đồ lại quả cho nhà trai và trả lại các mâm tráp. Lưu ý, khi chia đồ lại quả không được dùng kéo cắt mà phải xé bằng tay, đồ lại quả phải là số chẵn (thông thường là 10 lễ vật) và khi nhà gái trả lại mâm tráp phải để ngửa nắp lên, không được đóng lại.
- Nhà gái trao đồ lại quả cho nhà trai và nhà trai xin phép ra về.
Bữa cơm thân mật ở nhà gái sau lễ ăn hỏi
- Sau khi đã kết thúc lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ mời tất cả các thành viên có mặt cùng ở lại dùng bữa cơm thân mật. Trong trường hợp nhà trai ở xa, nhà gái cũng sẽ mời nhà trai ở lại dùng cơm luôn. Tuy nhiên việc này phải được thống nhất từ trước để nhà gái có kế hoạch đặt cỗ và chuẩn bị tiếp đón chu đáo.
Video tham khảo về thủ tục ăn hỏi
-
Nghiên cứu của ĐH Harvard: Trẻ có 3 đặc điểm này lớn lên KIẾM TIỀN rất siêu, không phải cứ học giỏi là sẽ giàu có
-
Tôi dặn con: Sau này bố mẹ mất là hết, chẳng phải hương khói giỗ chạp làm gì cả
-
“Đại gia ngầm” số 1 Trung Quốc, sở hữu 3.000 hecta đất ở Hồng Kông, nhưng không hề bán hay cho thuê, làm giàu bằng cách hiến tặng những mảnh nhỏ
-
Bài học từ tư duy triệu phú: Không tham lợi nhuận nhỏ là người nỗ lực nhưng làm được 2 việc này mới đến gần với thành công
-
Người có phẩm đức sẽ không hèn, có học thức sẽ không nghèo
-
Vì sao làm càng nhiều sẽ càng chịu thiệt thòi: Không biết 5 quy tắc ngầm này, bạn vừa hại thân, vừa khiến sự nghiệp xuống dốc!