www.bachkhoakienthuc.com

Mía dò có tác dụng gì, bài thuốc từ loại cây này

10/04/2016 09:25

Mía dò còn có tên gọi khác là Cát lồi, đọt đắng, sẹ vòng, tậu chó, cây chót. Đây là loại cây có tác dụng chữa bệnh.

Mía Dò
Mía Dò

Mía dò có tác dụng gì

Tên khác: Cát lồi, đọt đắng, sẹ vòng, tậu chó, cây chót, nó ưởng, ỏi phạ (Tày), co ướng bôn (Thái)

Tên nước ngoài: Elegent costus (Anh), costus élégant (Pháp)

Họ: Mía dò (Costaceae)

Mô tả:

Cây thảo, sống lâu năm, cao 1 - 2m, có khi đến 3m. Thân rễ to, nạc, mọc bò ngang, phần non có vảy bao bọc, vảy có lông ngắn. Thân xốp, ít phân nhánh. Lá mọc so le, hình trứng thuôn, gốc tròn có bẹ, đầu nhọn, mép nguyên, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông mịn, dài 15 - 20 cm, rộng 6 - 7 cm, gân chính nổi rõ. Lá non mọc thành một đường xoắn ốc rất đặc biệt. Bẹ lá nhẵn hoặc có lông, lúc non màu lục nhạt sau chuyển trắng ngà hoặc đỏ sẫm; lưỡi bẹ phẳng hoặc hơi vát.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành bông chuỳ, dài 8 - 13m, rộng 5 - 9m; lá bắc dày, xếp lợp, màu đỏ, có mũi nhọn, lá bắc con kề bên, cùng màu; đài hình ống loe ở đầu, có 3 răng cứng màu đỏ sẫm; tràng hình phễu, có ống ngắn và cong màu trắng, họng vàng, nhẵn hoặc có lông; nhị dạng cánh mang một bao phấn, chỉ nhị kết hợp với trung đới kéo dài thành một phần phụ hìnhh trứng đảo hẹp, đầu tròn cong lòng máng ôm lấy vòi nhuỵ; Cánh môi to, màu hồng, trắng hoặc vàng, khía rắng ở đầu; bầu nhẵn hoặc có lông.

Quả nang hình trứng hoặc hình bầu dục có 3 cạnh, màu đỏ sẫm, có đài tồn tại; hạt nhiều, có cạnh không đều, màu đen.

Mùa hoa quả: tháng 7 - 11

Loài này còn có một thứ là Costus speciosus (Koenig) Smith var.argyrophyllus Wall. Với đặc điểm là mặt dưới lá màu lục nhạt phủ lông dài và dày hơn. Lá bắc, đài hoa, bầu và quả có lông cứng, nhỏ màu hung xám.

Cây có công dụng tương tự

Mía dò hoa gốc (Costus tonkinensis Gagnep.) cùng họ. Đó là một cây thảo, phân nhánh nhiều. Lá già mọc theo đường xoắn ốc, hai mặt nhẵn. Cụm hoa mọc từ thân rễ, lúc đầu nằm ngang sau vươn thẳng; hoa có kích thước nhỏ hơn hoa mía dò, cánh môi màu vàng tươi.

Bộ phận dùng:

Thân rễ, búp non, cành non.

Thân rễ, thu hoạch vào mùa thu, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, thái phiến phơi hay sấy nhẹ cho khô. Nếu thân rễ khô phải ủ cho mềm rồi thái phiến. Dùng lửa nhỏ sao đến khi bề mặt phiến có màu vàng. Búp và cành non dùng tươi.

Thành phần hoá học:

Thân rễ mía dò còn tưoi chứa 77 - 87% nước, khi khô là 5,5% nước, 0,75% chất tan trong ether, 6,75% chất albuminoid, 66,65% carbohydrat, 10,65% xơ, và 9,70% tro.

Năm 1970, Pandey V.B và Dasgupta đã chiết từ rễ khô mía dò được 2,12% diosgenin tinh khiết, tigogenin và một số saponin khác.

Năm 1985, Phạm Kim Mãn và cộng sự (Viện dược liệu) đã chứng minh các saponin steroid trong mía dò (di thực từ Ấn Độ vào Việt Nam dưới dạng furostan (vòng F mở) lên men trong môi trường nước sẽ biến thành dạng spirostan (vòng F đóng). Khi thuỷ phân, dạng spirostan sẽ nâng cao hiệu suất diosgenin lên nhiều lần.

Năm 1997, Inoue Kentaro, Ebizuka, Yutaka đã tinh chế và xác định b glucosidase đểu chyển hoá các furostanol glycosid trong mía dò thành spirostanol glycosid.

Sự biến đổi glucosid dạng furostanol sang dạng spirostanol bởi men b glucosidase cũng được công bố trong một số nghiên cứu và ứng dụng.

Năm 1988, Gupta .M.M Sing S.P. Shukla Y.N đã xác định một số triterpen trong thân rễ mía dò là 31 norcycloartanon cycloartanol, cycloartenol và cycloandenol.

Năm 1990, Gaitonde R.V. Sapre S.P đã chiết và phân lập được chất curcimin, từ thân rễ tươi mía dò.

Năm 1988, một chất có hoạt tính sinh học là este của acid phtalic là bis (2 ethyl hexyl) phtalat đã được Farooqui A.H; Abad; Shukla Y.N phân lập từ thân rễ mía dò. Chất này ức chế sự phát triển của lúa mỳ ở nồng độ 200 - 400 mg/L.

Tác dụng dược lý:

1. Tác dụng chống viêm

Ở cả hai giai đoạn viêm cấp tính và mạn tính, cao mía dò đều có tác dụng chống viêm rõ rệt. Trên các mô hình viêm cấp như gây phù bàn chân chuột cống trắng bằng carragenin (0,8%), cao mía dò với liều 0,15g/kg và 0,25g/kg ức chế phù đạt 32% và 58,5%. Trên mô hình gây phù bằng kaolin với những liều dùng trên mức độ ức chế phù đạt 49,7% và 52%;

Trên mô hình gây viêm nội khớp thực nghiệm trên chuột cống trắng, cao mía dò với liều 0,25g/kg ức chế hiện tượng sưng khớp đạt 55,6%.

Ở giai đoạn viêm mạn tính với mô hình gây u hạt thực nghiệm trên chuột trắng, cao mía dò với liều 0,75g/kg và 1,25g/kg làm giảm trọng lượng u hạt 29,5% và 47,2%.

2. Tác dụng gây thu teo tuyến ức

Thí nghiệm trên chuột cống trắng đực còn non, cao mía dò tiêm dưới da với liều 0,3g/kg và 0,5g/kg làm giảm trọng lượng tuyến ức 34,5% và 49,7% so với lô đối chứng.

3. Tác dụng giảm đau

Thí nghiệm tren chuột nhắt trắng, gây đau nội tạng (douleur viscérale) bằng cách tiêm xoang bụng dung dịch acid acetic, cao mía dò với liều 0,17g/kg và 0,25g/kg có tác dụng làm giảm số lần quặn đau 48,8% và 60% so với lô đối chứng.

4. Ảnh hưởng của cao mía dò đối với sự sinh sản

Thí nghiệm được tiến hành trên chuột cống trắng cả đực và cái, cao mía dò dùng liều hàng ngày 0,7g/kg trong 10 ngày liên tục. Khi bắt đầu dùng thuốc cho chuột giao phối, theo dõi tỷ lệ chuột có chửa, tình hình sinh đẻ, số lượng và quá trình phát triển của chuột con. Kết quả cho thấy so với lô đối chứng, cao mía dò không ảnh hưởng đến sự sinh sản của chuột.

5. Về độc tính

Đã tiến hành xác định độc tính cấp và mạn của cao mía dò. Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, bằng đường uống, cao mía dò có LD50 = 7,28g/kg (5,38 - 9,82g/kg). Về độc tính mạn, liều dùng hàng ngày 0,3g/kg trong 30 ngày liên tiếp, được tiến hàng trên thỏ không ảnh hưởng đến cân nặng các chỉ số huyết học và công năng gan, thận. Theo tài liệu nước ngoài (Pandey V.B), hỗn hợp saponin chiết được từ mía dò có tác dụng chống viêm rõ rệt, tương đương với tác dụng của b - methason. Thí nghiệm trên chuột cống cái đã cắt buồng trứng, hỗn hợp này làm tăng trọng lượng tử cung một cách có ý nghĩa.

Tính vị, công năng:

Mía dò có vị chua, tính hàn, có tác dngj thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, chống viêm.

Công dụng:

Ngọn hay cành non mía dò đem nướng, rồi vắt lấy nước nhỏ chữa đau mắt, đau tai.

Thân rễ mía dò chữa sốt, đái buốt, đái nước tiểu vàng, viêm bàng quang.

Ngày dùng 5 - 10g dưới dạng nước sắc, cao lỏng hoặc cao mềm. Dùng riêng hoặc phối hợp với lá lành ngạnh chữa bí tiểu tiện; với mộc tặc chữa đái đục; với cỏ xước, cà gai leo; thổ phục linh chữa tê thấp, nhức xương.

Dùng ngoài, thân rễ mía dò giã đắp chữa rắn cắn.

Ở Trung Quốc người ta dùng mía dò chữa viêm thận, phù thũng, xơ gan cổ trướng, tiểu tiện không thông, mề đay. Ở Ấn Độ, mía dò dùng làm thuốc chữa sốt, bệnh ngoài da, rắn cắn. Ở Indonesia, mía dò chữa các bệnh về mắt. Ở Lào và Malaysia, dịch hãm hoặc nước sắc của lá mía dò là thuốc ra mồ hôi hoặc dùng làm nước tắm cho bệnh nhân sốt cao. Ở Malaysia, người ta còn dùng mía dò với trầu không để chữa ho.

Bài thuốc từ cây mía dò

Nếu không muốn hại con, ngừng ngay những việc này từ hôm nay
Cho trẻ ăn kẹo, uống nước ngọt có gas, sử dụng smartphone, mắng chửi... là những việc khiến cho trẻ tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần những chúng ta lại hay mắc phải...