www.bachkhoakienthuc.com

Những sự khác biệt vô cùng thú vị trong ngôn ngữ 2 miền Bắc - Nam

10/08/2020 08:43

Cách sử dụng từ giữa hai miền Bắc - Nam có rất nhiều sự khác biệt thú vị. Chính điều này đã góp phần giúp tiếng Việt ngày càng thêm phong phú tuy đôi lúc cũng gây ra một số trở ngại nhất định.

Từ xưa đến nay, hai miền Bắc - Nam, Hà Nội - Sài Gòn, mỗi vùng miền sẽ có những nét văn hóa đặc sắc riêng và đó trở thành niềm tự hào của người dân từng vùng. Tuy nhiên, đây cũng chính là những "vấn đề đau đầu" cho những ai lần đầu tiên ra Bắc hoặc vào Nam. Chính vì những khác biệt trong sử dụng từ ngữ này cũng đã khiến nhiều bạn trẻ bao phen phải "dở khóc dở cười" vì bị hiểu nhầm đấy!

Thế nhưng, khi đã tiếp xúc một vài lần, sự khác biệt này sẽ tạo ra niềm thích thú, đam mê tìm tòi khám phá cho những người Bắc vào Nam, hay người Nam trở ra Bắc sinh sống, làm việc, du lịch... Cùng điểm lại một số sự khác biệt vô cùng thú vị trong ngôn ngữ 2 miền Bắc - Nam:

1

Chắc các bạn ai cũng thường giận dỗi, vu vơ với nhỏ bạn thân của mình đúng không. Và lúc này người Bắc sẽ nói "Tớ nghỉ chơi với cậu ấy lâu rồi" còn miền Nam sẽ là "Mình bo xì X,Y,Z... lâu rồi"

2

Nếu con gái Bắc bị la "Con gái con lứa ngồi banh chân ra thế hả" thì con gái miền Nam sẽ bị la kiểu "Con gái con lứa ngồi chàng hảng chàng hê".

3

Khi bạn vứt đồ lộn xộn, thiếu ngăn nắp đối với miền Bắc thì đó là "bừa bãi", còn với miền Nam là "tùm lum tà la".

4

Khi khen một bộ phim, người miền Bắc sẽ nói "Phim hay nhở" còn người Nam "Phim hay lắm à nha"

5

Khi chê một ai đó dữ, hay chửi người khác, miền Bắc sẽ nói "Dữ như sư tử Hà Đông", còn miền Nam "Dữ như bà chằn lửa"

6

Khi ai đó làm điều gì sai, người miền Bắc "Ai bảo không nghe lời tao", còn miền Nam sẽ là "Ai biểu không nghe lời tao"

7

Cái này dễ thấy nhất, người Bắc sẽ gọi người sinh ra mẹ mình là "bà ngoại", còn người Nam sẽ đọc trại đi thành "quại", hoặc "bà quại".

8

Miền Bắc sẽ gọi là cây kem, thay vào đó miền Nam đọc thành cà rem, cà lem, nghe khá vui tai...

9

Hầu hết âm "v" miền Nam đều chuyển thành âm "d", vần "uyên" trệt thành "iên" đó là do cách phát âm tự nhiên, có phần suồng sã của người miền Nam, thế nên từ "vô duyên" của miền Bắc khi vào Nam sẽ thành "dô diên".

10

Chắc người Bắc nghe từ "mát trời ông địa" của người Nam không nghĩ nó có nghĩa là "thoải mái" đâu nhỉ"

11

Miền Bắc gọi "trái dứa", vào miền Nam biến thành "trái khóm"

12

Miền Bắc gọi là ngồi xổm, miền Nam gọi là ngồi chồm hỗm.

13

Khi thấy một người rảnh rỗi và thơ thẩn đi đâu đó, lo chuyện bao đồng thì miền Bắc sẽ dùng từ "rảnh rỗi sinh nông nỗi" còn miền Nam là "cà nhỗng".

14

Miền Bắc một mình là "một mình" còn miền Nam một mình là "mình ên".

15

Miền Bắc thường nói đúng, kiểu "được không", còn miền Nam biến tấu đi một xíu thành "được hông/hem/hăm"

Dù thế nào đi chăng nữa thì giữa hai miền Bắc - Nam, Hà Nội - Sài Gòn vẫn có vô vàn những sự khác biệt thú vị, tạo nên nét đặc sắc riêng. Do tính chất địa lí, vùng miền nên khác nhau là chuyện đương nhiên. Dù là người Hà Nội, hay người Sài Gòn, hay người ở miền Trung, miền Tây... cũng đều có những phong tục, văn hóa, thậm chí là phương ngữ riêng. Việc tìm hiểu sự khác biệt độc đáo giữa các vùng miền giúp ta có thêm nhiều kinh nghiệm hơn trong giao tiếp. Bạn còn biết đến sự khác biệt nào trong cách dùng từ ngữ của các vùng miền hãy cùng chia sẻ để mọi người cùng tham khảo?

Nếu không muốn hại con, ngừng ngay những việc này từ hôm nay
Cho trẻ ăn kẹo, uống nước ngọt có gas, sử dụng smartphone, mắng chửi... là những việc khiến cho trẻ tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần những chúng ta lại hay mắc phải...