www.bachkhoakienthuc.com

Mang thai bị nổi mề đay có sao không?

21/09/2016 14:17

Bị nổi mề đay, dị ứng khi đang mang bầu không phải là hiện tượng hiếm. Thông thường, bà bầu khi gặp tình huống này rất lo lắng...

Mang thai nổi mề đay có sao không?

Một bạn gái ở TP Hồ Chí Minh (giấu tên) gửi câu hỏi đến các bác sĩ BV Từ Dũ: "Em mang thai lần 2 được 15 tuần. Do ăn thịt gà nhiều nên em bị ngứa và chiều hôm sau thì nổi mề đay khắp người. Qua 1 đêm thì mề đay lặn hết. Việc nổi mề đay có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?"

Theo Ths. BS Phan Thanh Bình, Khoa Chăm sóc trước sinh - BV Từ Dũ: Đa số dị ứng thức ăn nhẹ như bạn chẳng ảnh hưởng gì đến thai cả. Nhưng nên tránh các loại dị ứng nặng có thể gây sốc và khi đó ngay cả tính mạng bà mẹ giữ cũng khó nói chi đến thai.

Nổi mề đay khi mang thai là bệnh phổ biến
Nổi mề đay khi mang thai là bệnh phổ biến

Ngoài lý do ăn thịt gà nêu trên, theo BS CKII Nguyễn Hữu Thuận (SKĐS), dị ứng hay còn gọi là bệnh da do thai là một bệnh lý hình thành do ảnh hưởng của sự thay đổi nội tiết thai kỳ. Điển hình của bệnh là chứng mề đay sẩn ngứa hay còn gọi chứng phát ban đa dạng, với tần suất 0,25-1% số phụ nữ mang thai.

Những thay đổi nội tiết gây ra trong thai kỳ bình thường có thể ảnh hưởng phần nào đáng kể lên da. Sự sản xuất, sự kích thích của nội tiết tố nhau thai hay sự thay đổi độ thanh thải có thể làm tăng nồng độ estrogen, progesterone hiện diện trong huyết tương và nhiều loại androgen.

Điều này dẫn đến thay đổi hệ thống lông tóc móng do estrogen, androgen, nội tiết tố tuyến giáp, glucocorticoid và prolactin tăng khích thích tế bào hắc tố, gia tăng sản xuất proopiomelanocortin.

Theo BS Thuận, đây là chứng bệnh chưa rõ về căn nguyên. Theo tác giả Aractingi năm 1998, sự hình thành mề đay sẩn ngứa do sự kích thích của các tế bào phôi thai xâm nhập vào da của bà mẹ. Năm 2002 - 2003, các tác giả Barinaga và Srivatsa có những báo cáo: tế bào ở bà mẹ có liên quan với các rối loạn tự miễn ở thời kỳ còn trẻ của bà ta.

Về mặt thực tế lâm sàng rất đa dạng, nên việc phân loại bệnh còn gặp nhiều lúng túng. Kết quả sinh thiết từ những nốt sẩn ngứa, cho thấy viêm quanh mạch máu nhẹ với sự xâm nhập của các mô bào và lympho bào không đặc hiệu với các bạch cầu ái toan chiếm ưu thế. Đây là bệnh da đặc hiệu gây ngứa phổ biến trong thai kỳ.

Ở Mỹ được gọi là PUPPP (Pruritic Urticarial Papules and Plaques of Pregnancy) và ở Anh được gọi là phát ban đa dạng (PEP: polymorphic eruption of pregnancy).

Bệnh này được đặc trưng bởi phát ban ở da kèm ngứa thường xuất hiện trễ trong thai kỳ, các mảng và sẩn mề đay trên nền hồng ban kích thước 1 -2mm, xuất hiện đầu tiên ở bụng, thường xung quanh các vân da, sau đó lan ra mông, đùi và tứ chi. Xảy ra vào những tháng cuối của thai kỳ.

Theo Aroson (1998), các tổn thương này có thể gây ngứa nặng, khoảng 40% ở dạng mề đay; 45% ở dạng hồng ban; 15% ở dạng kết hợp. Bệnh ít xảy ra ở mặt. Bệnh thường gặp ở người con so và ít khi tái phát ở những thai kỳ sau.

Bệnh này có thể giống với Herpes thai kỳ nhưng thường không có các mụn nước và bóng nước. Không có bằng chứng làm tăng tử vong chu sinh.

Các điều trị bệnh dị ứng, mề đay khi mang thai

Việc dùng thuốc trong thai kỳ cần tuân thủ chỉ dẫn nghiêm ngặt của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc về dùng theo thói quen hoặc do người thân mách bảo.

Theo bác sĩ Thuận, điều trị mề đay khi mang thai chủ yếu điều trị về triệu chứng. Các bác sĩ hay kê đơn dùng kháng histamine uống và các thuốc làm dịu da cũng làm thuyên giảm ở một số trường hợp, nhưng đa phần cần dùng kem hay thuốc mỡ steroid tại chỗ. Steroid uống nếu các phương pháp trên thất bại và đối với các trường hợp ngứa nặng.

Trong nhiều trường hợp hồng ban sẽ biến mất nhanh chóng trước, trong hay vài ngày sau khi sinh. Khoảng 15 - 20% số phụ nữ, các triệu chứng tồn tại dai dẳng 2 - 4 tuần sau khi sinh. Nguyên nhân gây ra chứng mề đay và sẩn ngứa khi mang thai chưa rõ ràng.

Khị bị mề đay mà không tự khỏi, tốt nhất thai phụ nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa về mang thai hoặc bác sĩ da liễu để được khám và tư vấn.

Xem clip tìm hiểu về bệnh mề đay

Nếu không muốn hại con, ngừng ngay những việc này từ hôm nay
Cho trẻ ăn kẹo, uống nước ngọt có gas, sử dụng smartphone, mắng chửi... là những việc khiến cho trẻ tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần những chúng ta lại hay mắc phải...